HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

Nhiều chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024
Ngày đăng 01/01/2024 | 17:30  | Lượt xem: 353

Từ ngày 1-1-2024, nhiều chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành, trong đó có nhóm người từ đủ 75 tuổi trở lên là đối tượng ưu tiên khám, chữa bệnh.

1. Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9-1-2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2024, người từ đủ 75 tuổi (trước từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh, bao gồm cả khám, chữa bệnh BHYT.

2. Cũng liên quan đến BHYT, từ ngày 1-1-2024, thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, trong đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đang thường trú trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ 100%.

3. Ngày 26/12/2023, Liên ngành Y tế - BHXH Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 6152/HD-YT-BHXH về việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo hướng dẫn, năm 2024, Hà Nội có 4 tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, tuyến 1 là cơ sở tuyến trung ương và tương đương; tuyến 2 là cơ sở y tế tuyến thành phố và tương đương; tuyến 3 là cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và tương đương; tuyến 4 là cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn và tương đương. Việc đón tiếp, phục vụ, điều trị cho bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT căn cứ theo đặc điểm về tổ chức của hệ thống y tế trên địa bàn và khả năng cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn và tuyến quận, huyện, thị xã, không phân biệt địa giới hành chính, nhưng cần phù hợp với nơi làm việc, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Đáng chú ý, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, phường, thị trấn không giới hạn số lượng đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, theo khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong khám, chữa bệnh BHYT.

Đối với các quận, huyện và địa bàn giáp ranh không có bệnh viện tuyến quận, huyện, thì người tham gia BHYT có bệnh mãn tính cần thường xuyên đi khám, chữa bệnh, mà cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn không đáp ứng được, họ sẽ được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến thành phố trên địa bàn xã, phường đó.

Với các cơ sở tuyến thành phố, tuyến trung ương và tương đương, người tham gia BHYT được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến này khi thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở y tế khi các cơ sở y tế có số lượng thẻ chưa vượt quá quy định. Riêng Bệnh viện Lão khoa trung ương tạm thời tiếp nhận khám, chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi mắc các bệnh parkinson, alzheimer với số lượng thẻ không vượt quá quy định.

Người tham gia BHYT thuộc diện quản lý, bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Hữu nghị. Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của thành phố Hà Nội đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám A, thuộc các bệnh viện trong thành phố.

Người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu và một số trường hợp khác đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại hệ thống Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 105, Viện Y học cổ truyền quân đội, Viện Y học Phòng không - Không quân…

Một số trường hợp như: Người có công với cách mạng, người từ 80 tuổi trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi… được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo các quy định hiện hành. Riêng trường hợp người có công trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (mã quyền lợi 1) được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cùng địa bàn cư trú, kể cả cơ sở có số lượng thẻ BHYT vượt quy định.

Cũng theo hướng dẫn nêu trên, y tế các cơ quan, đơn vị, trường học chỉ nhận đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị, trường học quản lý…

4. Cùng thời điểm từ ngày 1-1-2024, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo lộ trình này, năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi; đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường là 56 tuổi 4 tháng (năm 2023, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, còn đối với lao động nữ là 56 tuổi).

Về điều kiện hưởng lương hưu năm 2024, theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH 2014 (được sửa đổi bởi Điểm a, Khoản 1, Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), thì trong điều kiện lao động bình thường, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; đủ tuổi của lao động nam là đủ 61 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi 4 tháng.

Trường hợp 2: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1- 2021). Độ tuổi nghỉ hưu của nam vào năm 2024 không thấp hơn 56 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của nữ vào năm 2024 không thấp hơn 51 tuổi 4 tháng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp 3: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; độ tuổi nghỉ hưu của nam vào năm 2024 không thấp hơn 51 tuổi và nữ không thấp hơn 46 tuổi 4 tháng.

Trường hợp 4: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trường hợp 5: Lao động nữ là cán bộ công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 56 tuổi 4 tháng.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam vào năm 2024 là đủ 61 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi 4 tháng và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

ADMIN XÃ TÂN LẬP