TIN CHÍNH CỦA XÃ
Ghép tạng là 1 trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 nghìn người suy tạng (gan, thận) cần ghép; khoảng 300 nghìn người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Trong khi đó, cả nước đã có 18 trung tâm ghép tạng và trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Các bác sĩ đã thực hiện thành công việc ghép gan, tim, phổi, thận, tụy cho biết: Điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, rất nhiều người bệnh đang phải đấu tranh duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi được ghép.
Việc những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay. “Lúc này, sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự “cho đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để những người sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người. Khi một sinh mệnh từ giã cõi đời thì ở một nơi khác, nhiều cuộc đời khác đã được cứu sống nhờ vào những mảnh ghép sinh mệnh người đó để lại”
Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp giúp tiếp nối hy vọng, ươm mầm sự sống cho nhiều người bệnh đang mòn mỏi chờ được ghép tạng
Y bác sĩ cúi đầu mặc niệm và tri ân N.Đ.T., chàng trai Hà Nội mới 32 tuổi - Ảnh: BVCC
Đối tượng đăng ký hiến tạng
Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
Những người cao tuổi cũng có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên, khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì thực tế có một số trường hợp người chết, chết não dù đã đăng ký hiến tặng mô, tạng nhưng gia đình không đồng ý, không báo tin cho cơ sở y tế, hoặc phản đối, gây khó khăn cho việc lấy tạng ghép, khiến người hiến không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.
Quyền lợi của người hiến tạng
Nhằm khuyến khích và ghi nhận đóng góp to lớn của người hiến tạng, Nhà nước đã quy định một số quyền lợi nhất định cho đối tượng này, cụ thể như sau:
Đối với người hiến tạng còn sống:
* Sau khi hiến tạng, người hiến sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.
* Người hiến sẽ được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
* Người hiến sẽ được tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
Đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác:
* Sau khi chết, cơ thể người hiến tạng sẽ được chăm sóc tùy thuộc vào di nguyện của người hiến tạng hay nguyện vọng của gia đình.
* Được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.
* Người hiến tạng mất cũng sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
Quy trình tiếp nhận tạng hiến
Khi người hiến tạng bệnh nặng, bị tai nạn được các bác sĩ tiên liệu thông báo rất nặng hoặc tiên lượng không qua khỏi, người nhà cần báo ngay cho đơn vị điều phối qua số điện thoại: 0915060550 (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức) hoặc 0913 677 016 (Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy).
Khi nhận được thông tin từ gia đình, đơn vị điều phối sẽ có sự phối hợp đánh giá, tổ chức hỗ trợ điều trị bệnh nhân nếu người bệnh đang ở xa trung tâm và tình trạng bệnh còn có khả năng điều trị.
Trong trường hợp tình trạng bệnh không có khả năng điều trị thì cũng có đủ thời gian đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của người bệnh có chống chỉ định hiến tạng hay không. Tạng của người hiến có chọn được người phù hợp ghép hay không.
Nếu đáp ứng những điều kiện trên thì thời gian chuẩn bị nhận tạng kéo dài trong 12-48 giờ. Thông thường, những người hiến tạng khi chết não sẽ hiến được nhiều cơ quan hơn người hiến tạng khi ngưng tim, có thể cứu được 8-10 người bệnh.
Năm 2024, các cấp Hội CTĐ triển khai đăng ký hiến mô tạng. Người dân trên địa bàn xã Tân Lập muốn đăng ký hiến tạng liên hệ đ/c Thắm – Chủ tịch Hội CTĐ xã, số điện thoại 0961931618.
Hồng Thắm