GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Tôn vinh Hiến pháp và pháp luật
Publish date 05/11/2024 | 11:00  | Lượt xem: 28

Vào tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Trong đó quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hay còn gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) với mục đích nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân”.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày Pháp luật Việt Nam vì vào ngày này, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam (Hiến pháp 1946) đã được Quốc hội thông qua.  Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.

Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Ngoài ý nghĩa trên, Ngày Pháp luật Việt Nam còn mang các tầng ý nghĩa, thông điệp sau đây:

- Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

- Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật

- Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước

- Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

- Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý

Năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Đến nay, Ngày Pháp luật đã được các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Bộ, ngành địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chú trọng lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào tháng cao điểm (tháng 11/2024).

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, góp phần thực hiện tuyên truyền khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Qua đó, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Hồng Thắm