GIới thiệu chung GIới thiệu chung

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ
Publish date 02/03/2021 | 17:54  | Lượt xem: 13387

Tân Lập là một trong 16 xã, thị trấn của huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp xã Liên Trung (Đan Phượng); phía Nam giáp thị trấn Trạm Trôi và xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức); phía Đông giáp 2 phường Tây Tựu và Thượng Cát (Quận Bắc Từ Liêm); phía Tây giáp xã Tân Hội (Đan Phượng). Tân Lập là xã nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng và ở địa bàn có vị trí trọng yếu trên cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội trên 10 km. Diện tích tự nhiên: 571,95 ha. Dân số tính đến năm 2020 có 6.635 hộ với 23.825 nhân khẩu, là xã đông dân nhất của huyện Đan Phượng.

Toàn cảnh xã Tân Lập nhìn từ trên cao

Tân Lập là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tháng 6/1956 xã Tân Lập được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Hội thành 2 xã Tân Hội và Tân Lập. Xã Tân Lập có 4 làng: Đan Hội, Hạ Hội, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn và 4 trại: Trại Kim Âu và Trại Ngọc Trúc thuộc làng Hạ Hội, Trại Ngọc Kiệu thuộc làng Ngọc Kiệu, Trại Hạnh Đàn thuộc làng Hạnh Đàn, được phân bổ thành 13 cụm dân cư. Đến tháng 12/2015, xã Tân Lập có thêm 03 tổ dân phố (thuộc khu chung cư Tân Tây Đô).

Một góc khu vực trung tâm Khu đô thị Tân Tây Đô

Theo sử sách ghi lại, xa xưa địa vực Tân Lập có tên là Gối Hạ, thuộc vùng đất cổ có di chỉ khảo cổ Kim Ngọc. Đầu thế kỷ XIX, các làng xã trên địa giới xã Tân Lập thuộc tổng Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đầu thế kỷ XX, các làng, xã Đan Hội, Hạ Hội, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn thuộc tổng Tây Tựu, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

Từ những ngày đầu cách mạng, 8 làng Gối bao gồm: Thượng Hội, Thúy Hội, Phan Long, Vĩnh Kỳ, Đan Hội, Hạ Hội, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn được gọi là tiểu khu Gối. Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 6/1948, Gối thượng và Gối Hạ được sáp nhập thành xã mới lấy tên là xã Tân Hội, huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông. Đến tháng 6/1956, xã Tân Hội được tách ra thành hai xã Tân Lập, Tân Hội thuộc huyện Đan Phượng cho đến ngày nay.

Nghề truyền thống của xã Tân Lập từ những năm 1960 trở về trước chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và dệt vải. Bên cạnh đó, còn có một số nghề phụ như: nghề thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, thợ rèn, thợ gò, thợ thiếc….

Người Gối Hạ rất hiếu học. Từ xa xưa, đã có nhiều người học giỏi, hiểu cao, thi cử đỗ đạt. Thế kỷ XIII, thầy giáo Đinh Tuấn đã về Gối Hạ (là quê ngoại của ông) dạy cho dân biết chữ.

Tân Lập nằm giữa hai vùng đất cổ xứ Đoài và vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Trên địa bàn xã có nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đình chùa, lăng, miếu có kiến trúc khá đẹp với quy mô lớn; trong đó đình Ngọc Kiệu và đình, chùa Hạ Hội là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo Á Đông. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý. Đình Ngọc Kiệu bảo quản được 28 đạo sắc phong từ triều Trần, triều Lê đến triều Nguyễn. Đặc biệt, các ngôi đình ở 4 làng trong xã đều thờ chung một Thành hoàng làng là tướng công Đinh Tuấn - người có công giúp vua Trần dẹp giặc Nguyên Mông ở thế kỷ thứ 13, thể hiện mối quan hệ gắn bó từ xa xưa của người dân nơi đây với Tướng Công Đinh Tuấn, người có công với dân với nước. Hàng năm, vào các ngày từ mùng 6 đến 12 tháng Giêng, dân làng mở hội rước kiệu, đánh cờ người, chọi gà, thổi cơm thi…Ngoài ra, vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch là ngày giỗ kỵ Thành hoàng làng - Tướng công Đinh Tuấn, Tiểu ban Di tích các thôn cũng tiến hành dâng hương, tế lễ. Mặc dù trải qua thời gian với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến nay trên địa bàn xã vẫn còn hiện hữu 09 công trình văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo gồm 04 đình: đình Hạ Hội, đình Ngọc Kiệu, đình Đan Hội, đình Hạnh Đàn và 05 chùa: chùa Kim Âu, chùa Hương Lâm (Hạ Hội), chùa Kim Cốc (Ngọc Kiệu), chùa Bảo Tán (Đan Hội) và chùa Bát Phúc (Hạnh Đàn).

Trải theo chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân Tân Lập không chỉ có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, mà còn có truyền thống anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cường quyền áp bức. Mỗi khi đất nước bị giặc xâm lăng giày xéo, làng xóm bị đe dọa hoặc trộm cướp quấy nhiễu là mọi người đều căm giận, già trẻ gái trai đều xông lên đánh giặc, đánh cướp, dẹp loạn.

Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược, một số nhân, chí sỹ yêu nước trong xã đã đứng lên đề xướng và tổ chức lực lượng quấy phá giặc, hưởng ứng phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu, tham gia hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục, tham gia "hội kín" mưu việc chống Pháp. Có người bị kết án tử hình, người bị đày đi Côn Đảo, người bị xử án tù treo…nhưng tinh thần yêu nước căm thù giặc của người dân Gối Hạ vẫn không nản, khi âm ỉ, lúc bùng cháy và chưa bao giờ tắt.

Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và cán bộ xã Tân Lập đã nhất tề đứng lên một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, tham gia mặt trận Việt Minh, làm nên những chiến công lừng lẫy tô thắm trang sử vàng cách mạng của quê hương: Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt minh, toàn dân vùng Gối Hạ vùng lên khởi nghĩa cùng nhân dân cả nước phá tan xích xiềng nô lệ. Cuối tháng 8/1948, nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Tân Hội (xã Tân Lập và Tân Hội ngày nay) đã làm nên chiến thắng "3 ngày 5 trận" vang dội khắp nơi, diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhân dân và cán bộ xã Tân Lập vừa tích cực thi đua lao động sản xuất, vừa đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

Năm 1956, sau khi xã Tân Lập mới được thành lập, Chi bộ Đảng xã Tân Lập cũng ra đời (nay là Đảng bộ xã Tân Lập). Từ đó đến nay, qua các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương, đóng góp sức người, sức của cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 2020, Đảng bộ xã Tân Lập có trên 600 đồng chí đảng viên sinh hoạt trong 25 chi bộ.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn xã có 36 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 321 liệt sỹ; 161 thương bệnh binh, 17 gia đình có công được Chính phủ tặng huân huy chương các loại, 721 huân huy chương kháng chiến và nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2005 xã Tân Lập được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp".

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, của Thủ đô và của huyện Đan Phượng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương xây dựng huyện nông thôn mới do Huyện ủy-HĐND-UBND huyện phát động, xã Tân Lập đã từng ngày, từng giờ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng đô thị, văn minh. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng 5 năm (2015 - 2020) đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 18,35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tập trung mạnh nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong nhiệm kỳ đã huy động được gần 1.300 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng. Trong đó vốn huy động theo hình thức xã hội hóa từ các tổ chức đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp và nhân dân là 961 tỷ 898 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước bình quân 5 năm đạt 27,81 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 59.491.000 đồng/người/năm. Số trẻ đến trường: nhà trẻ đạt 60%, mẫu giáo: 95% (trong đó trẻ 4 – 5 tuổi đạt 100%). Trường Mầm non, THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II; Trạm Y tế xã đạt chuẩn Quốc gia (giai đoạn 2011 – 2020). 13/13 cụm dân cư và 1/3 tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Cụm dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2020 đạt 95%. Tỷ lệ người quá cố được đưa đi hỏa táng đạt 71,9%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc: 98%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96%. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt thu gom trong ngày: 99%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó nước sạch là 78%. Cuối năm 2019 xã không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo cuối năm 2020 còn 1,57%; An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. 100% chi bộ Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; MTTQ và các đoàn thể đều đạt vững mạnh, tiên tiến; Đảng bộ xã 5 năm liền được công nhận Đảng bộ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2017, nhân dân và cán bộ xã Tân Lập vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cuối năm 2019, xã Tân Lập được thành phố và huyện công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

ADMIN Xã Tân Lập